Lượt xem: 305

Đồng bào Khmer Sóc Trăng tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất

Tỷ lệ đồng bào Khmer tại Sóc Trăng chiếm trên 30% dân số toàn tỉnh với sinh kế chủ yếu gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp chăm lo, phát triển kinh tế, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến bộ vào những vùng sản xuất có đông đồng bào Khmer sinh sống. Với sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn, rất nhiều giải pháp canh tác tiên tiến, hiệu quả được bà con áp dụng đồng bộ. Qua đó, góp phần duy trì sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer.

 


Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc sạ hàng và cấy lúa bằng máy thay thế phương thức sạ lan truyền thống

 

    Nếu như trước kia, hơn 1 ha đất canh tác lúa của ông Trần Sên ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên được canh tác theo phương thức sạ lan như truyền thống thì giờ đã được thay bằng sạ hàng, kết hợp sử dụng máy cấy. Việc chuyển đổi này giúp ông Sên vừa tiết kiệm nhân công lại vừa giảm liều lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, hạ được giá thành trong sản xuất, mang lại lợi nhuận cao hơn. Từ hiệu quả mang lại, nhiều nông dân lân cận còn tích cực ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, tạo nên một chuỗi khép kín, hiện đại, tạo tiền đề để từng bước áp dụng quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Ông Trần Sên vui mừng chia sẻ: “Khi chuyển sang sạ hàng và sử dụng máy cấy như vậy thì  lúa ít nhiễm bệnh, khoảng cách đều hơn. Nhờ vậy mà mình lời hơn từ 45-50%...”.

    Về nhiều vùng chuyên canh rau màu tại Sóc Trăng, hình ảnh nông dân nhọc nhằn gánh nước từ kênh rạch để tưới cho từng luống rau ngày càng thưa dần, thay vào đó là sự phát triển của những nhà lưới trồng rau an toàn, được lắp đặt thêm hệ thống tưới phun. Nếu như trước kia, việc sử dụng hệ thống tưới phun đòi hỏi người nông dân phải trang bị điện thoại thông minh, thì nay, chỉ cần chiếc điện thoại với chức năng nghe gọi thông thường, nông dân đã có thể khởi động cả hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước. Nhiều bà con nói vui: “làm nông nghiệp chưa bao giờ khỏe và nhẹ nhàng như thế”. Ông Hồ Sinh - một trong những lão nông Khmer đi đầu trong việc áp dụng mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới kết hợp hệ thống phun sương bằng sim điện thoại ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên phấn khởi cho biết: “Bây giờ trồng rau khỏe hơn hồi trước nhiều lắm. Mình đi đám tiệc ở đâu xa xa, muốn tưới rẫy là chỉ việc bấm điện thoại thôi. Để tưới tự động chừng 15 phút rồi mình bấm tắt. Thời buổi hiện đại mà, mình lên mạng coi cách người ta làm rồi mình đặt hàng, người ta lại ráp cho mình”.

    Riêng tại thị xã Vĩnh Châu, mặc dù được xác định là “thủ phủ hành tím” với diện tích canh tác hàng năm gần 6.000 ha, nhưng từng có thời gian dài, củ hành tím nơi đây phải len lỏi tìm chỗ đứng trên thị trường khi chưa có sự khác biệt nhiều so với các sản phẩm có cùng chủng loại. Với sự định hướng từ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều bà con đồng bào Khmer tại thị xã Vĩnh Châu đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới để trồng hành, đồng thời tuân thủ đúng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra đạt chất lượng, giữ được màu sắc đặc trưng và kéo dài được thời gian bảo quản, lợi nhuận của bà con nông dân vì thế cũng tăng lên đáng kể. Nông dân Thạch Bun Thol ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu cho biết thêm: “Khi mà mình chuyển sang xài phân hữu cơ thì 1.000m2 chừng 4 bao, khoảng 1 triệu đồng là nhiều nhất. Thêm nữa là không tốn tiền thuốc. Giá thành củ hành trồng hữu cơ cũng cao hơn so với bên ngoài. Bên ngoài 20.000 đồng/kg thì hành hữu cơ là 25.000 đồng/kg. Nhiều lúc người ta đặt hàng mà  không có đủ để bán nữa”.

    Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp bà con Khmer gia tăng thu nhập mà còn góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, tiếp cận dần với những phương thức sản xuất hiệu quả, hiện đại. Sự thay đổi tích cực trong ý thức canh tác của những người nông dân Khmer đã góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng từng bước hình thành nên những vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái, rau màu tập trung. Sản phẩm làm ra có được sự cải thiện vượt trội cả về năng suất và chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiến sĩ Trần Tấn Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Chúng tôi đánh giá rất cao chuyển biến trong nhận thức canh tác của bà con nông dân Khmer. Từng mô hình tiên tiến và các kỹ thuật canh tác tiến bộ đã được họ áp dụng và nhân rộng rất tốt trong quá trình sản xuất. Nhờ sự nỗ lực này mà tính đến nay, đối với cây lúa, diện tích canh tác lúa đặc sản, lúa chất lượng cao đã chiếm đến 90% diện tích canh tác lúa toàn tỉnh. Riêng diện tích cây ăn trái của tỉnh ngày càng mở rộng, hiện đã phát triển được hơn 28.000 ha, tập trung thành vùng chuyên canh hơn để phục vụ xuất khẩu. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật cấp cho tỉnh 94 mã số vùng trồng, phục vụ cho xuất khẩu cây ăn trái. Trên lĩnh vực sản xuất rau màu, đồng bào Khmer còn được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác trong canh tác, như: Ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, giảm sử dụng phân bón hóa học để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ vậy mà nông sản khi làm ra đạt chất lượng, có giá bán cao hơn. Thu nhập được cải thiện nên đời sống của bà con ngày càng phát triển”.


Đồng bào Khmer thị xã Vĩnh Châu mạnh dạn đầu tư nhà lưới để trồng hành

 

    Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer tại Sóc Trăng giảm chỉ còn 7,01%, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tại những địa phương thuộc vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đã có bước phát triển đáng kể. Ngoài sự chăm lo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc thực hiện kịp thời các chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc, đổi thay tại từng phum sóc hôm nay còn ghi nhận những nỗ lực rất lớn từ sự mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất của những người nông dân Khmer. Tất cả góp phần giúp tỉnh nhà phát huy tốt hơn thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, duy trì tốt tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo từng năm.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 8333
  • Trong tuần: 79,040
  • Tất cả: 11,802,360